Thứ Hai, 05/6/2023
-*- Toàn ngành Kiểm sát Kiên Giang phát huy truyền thống “Nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm bảo vệ nhân dân” -*-   

NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
45 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

 

I. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP

Ngày 15/7/1960, Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (khóa II) đã thông qua Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND), quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của VKSND; Luật này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố ngày 26/7/1960 và Ngày này trở thành Ngày Truyền thống VKSND Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của VKSND trong bộ máy Nhà nước ta. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước 30/4/1975, ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) được tổ chức và hoạt động trên phạm vi cả nước. VKSND 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở miền Nam được thành lập theo Nghị định số 09-BTP/NĐ, ngày 23/4/1976 của Bộ Tư pháp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

 

            Trụ sở VKSND tỉnh Kiên Giang

         Khi mới được thành lập, VKSND Kiên Giang gặp không ít khó khăn về mọi mặt nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của VKSND tối cao và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang, VKSND hai cấp đã từng bước được củng cố và cho đến nay đã được kiện toàn về tổ chức, bộ máy và cán bộ. VKSND Kiên Giang khi thành lập có VKSND tỉnh và 9 đơn vị cấp huyện. Tổng số cán bộ, công chức có 22 người. Qua quá trình xây dựng và củng cố, đến nay VKSND tỉnh Kiên Giang có 25 đơn vị trực thuộc, gồm 10 đơn vị cấp phòng và tương đương cùng 15 VKSND cấp huyện với tổng số cán bộ, công chức toàn ngành là 245 người. Điều đó thể hiện, ngành KSND tỉnh Kiên Giang đã phát triển cùng với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của địa phương. Sự lớn mạnh đó có được là do sự lãnh đạo của Đảng và sự nỗ lực của từng cán bộ, công chức trong ngành, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, đã gương mẫu đi đầu, nêu cao ý thức trách nhiệm, đoàn kết tập hợp được đông đảo cán bộ đồng tâm hiệp lực chăm lo xây dựng và phát triển ngành.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống ngành KSND, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương thành lập Ban Cán sự Đảng VKSND, đã ban hành Quyết định số 62-QĐ/TW, ngày 15/3/1993 thành lập Ban Cán sự Đảng VKSND tối cao. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Kiên Giang ban hành Quyết định số 507/QĐ-TU, ngày 5/6/1993 về việc thành lập Ban Cán sự Đảng VKSND tỉnh Kiên Giang.

II. NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH THỰC HIỆN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ GIAI ĐOẠN 1976- 2015

Trong những năm đầu mới thành lập, phần lớn cán bộ, công chức của ngành KSND tỉnh Kiên Giang được điều động bố trí từ các ngành Công an, Quân sự sang và số cán bộ được tăng cường từ VKSND tối cao và các tỉnh, thành miền Bắc vào. Với sự nỗ lực, quyết tâm cao trong ba năm đầu, VKSND tỉnh đã có sự chuyển biến đi lên, các mặt công tác từng bước đi vào nền nếp, có nội dung và phương pháp làm việc phù hợp làm tiền đề tích cực cho những năm tiếp theo. VKSND tỉnh hoạt động căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Luật Tổ chức VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước ta. VKSND có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội (còn gọi là Kiển sát chung) đã luôn bám sát vào chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức VKSND, các Nghị quyết của Đảng, chủ trương của Nhà nước, từ đó hai cấp kiểm sát thực hiện thống nhất theo kế hoạch và tập trung kiểm sát chủ yếu những lĩnh vực kinh tế phức tạp có thể dẫn đến vi phạm pháp luật, thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị theo từng thời kỳ. Ngành chú ý kiểm sát văn bản pháp quy gắn với kiểm sát việc chấp hành pháp luật của các lĩnh vực trọng tâm; đồng thời kiểm sát việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các ngành nhằm giúp cho công tác này ngày càng đi vào nền nếp, đảm bảo xử phạt nghiêm minh, đúng pháp luật. Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật đã trực tiếp kiểm sát 1.278 điểm, thu hồi cho ngân sách Nhà nước 78 tỷ 529 triệu đồng và nhiều vật tư hàng hoá khác; đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị pháp chế nhằm kiến nghị khắc phục các vi phạm, nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do yêu cầu mới, năm 2002, ngành KSND thôi giữ chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội mà chỉ tập trung thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

III. NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH THỰC HIỆN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ TỪ NĂM 2015 ĐẾN NAY

Ngành KSND tỉnh Kiên Giang xác định và thực hiện phương châm công tác “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai thi hành tốt Luật Tổ chức VSND năm 2014 và các đạo luật mới về tư pháp; tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng chất đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu VKSND các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực thực thi pháp luật bản lĩnh bảo vệ công lý; xây dựng ngành KSND trong sạch, vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, năm 2020, toàn ngành KSND tỉnh xác định yêu cầu “Chủ động phối hợp với các ngành, các cấp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Triển khai, thực hiện và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu Nghị quyết số 96/2019/QH14, ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác tư pháp. Đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng; tiến hành Kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2020)”.

Thông qua nhiều biện pháp đổi mới để tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác, ngành KSND tỉnh đạt được kết quả công tác toàn diện, chất lượng cao hơn, nhiều mặt đạt kết quả nổi bật. Giai đoạn 5 năm (2015-2019), công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử án hình sự được VKSND hai cấp thụ lý kiểm sát giai đoạn khởi tố điều tra với tổng số 6.431 vụ, 9.758 bị can. Kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 4.312 vụ, 7.388 bị can. VKSND ra quyết định truy tố 4.265 vụ, 7.329 bị can, đạt tỷ lệ 98,91%. Thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm 4.319 vụ, 7.390 bị cáo; phúc thẩm 718 vụ, 1.113 bị cáo. Qua công tác kiểm sát đã phát hiện nhiều vi phạm, đã ban hành 41 kiến nghị trong hoạt động điều tra và 62 kiến nghị trong hoạt động xét xử, đảm bảo các yêu cầu chỉ tiêu của Quốc hội giao. Chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, nâng cao chất lượng luận tội, kỹ năng tranh luận của kiểm sát viên tại các phiên tòa. Trong nhiệm kỳ qua, Viện KSND hai cấp đã phối hợp với Công an, Tòa án xác định 124 vụ án điểm để điều tra, truy tố, xét xử; cùng Tòa án tổ chức xét xử 326 phiên tòa rút kinh nghiệm trong toàn đơn vị, phục vụ công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương, những năm qua chưa xảy ra trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại oan sai thuộc trách nhiệm của ngành.

Công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật được hai cấp kiểm sát đã thực hiện tốt quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc, đã cử Kiểm sát viên tham gia xét xử, phiên họp 4.521 sơ thẩm, 1.340 phiên tòa phúc thẩm. Qua tham gia phiên tòa và công tác kiểm sát đã ban hành 195 kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; ban hành 274 kiến nghị đối với Tòa án cùng cấp yêu cầu khắc phục vi phạm trong quá trình giải quyết án có sai phạm, những kiến nghị của VKSND đều được Tòa án chấp nhận khắc phục, sửa chữa.

Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam; công tác thi hành án hình sự được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Hai cấp kiểm sát 319 cuộc nhà tạm giữ, 13 cuộc trại tạm giam và trại giam. Qua hoạt động kiểm sát cho thấy việc tạm giữ, tạm giam và quản lý người chấp hành án phạt tù cơ bản thực hiện tốt. Trực tiếp kiểm sát 73 cuộc cơ quan Thi hành án hình sự cùng cấp và cấp dưới; kiểm sát 231 cuộc đối với Ủy ban nhân dân cấp xã về quản lý thi hành án treo và cải tạo không giam giữ. Đã ban hành kết luận, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và được cơ quan đơn vị được giao nhiệm vụ nay chấp nhận.

Về công tác kiểm sát thi hành án dân sự: Hai cấp đã kiểm sát chặt chẽ các quyết định thi hành án, việc kê biên, cưỡng chế định giá tài sản thi hành án của cơ quan thi hành án. Qua kiểm sát phát hiện 1.801 quyết định có vi phạm, đã ban hành 26 kháng nghị, 129 kiến nghị, 3 yêu cầu ra quyết định thi hành án. Ngoài ra tiến hành trực tiếp kiểm sát 110 cuộc đối với cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp, phối hợp, tiếp nhận giải quyết đơn, thư khiếu tố có liên quan. Qua kiểm sát đã ban hành kết luận, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và được chấp nhận.

Công tác kiểm sát giải quyết các khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp: Hai cấp kiểm sát đã tiếp 2.364 lượt công dân khiếu nại, tố cáo, trong đó lãnh đạo VKSND hai cấp tiếp 230 lượt người. Tổng số đơn VKSND tiếp nhận thuộc thẩm quyền giải quyết là 227 đơn, đã giải quyết 227 đơn, đạt 100%. Trực tiếp kiểm sát 59 cuộc đối với các cơ quan tư pháp, đã ban hành kết luận và 25 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong quá trình giải quyết đơn.

Về công tác xây dựng ngành: Ngành KSND tỉnh đã đẩy mạnh đổi mới công tác tổ chức cán bộ; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; đề cao tính chủ động, sáng tạo; yêu cầu người đứng đầu phải thực sự “công bằng, trách nhiệm, gương mẫu”; cấp dưới phải “trung thực, tận tụy, trách nhiệm” trong công việc. Tích cực biểu dương những cách làm hay, phương pháp hiệu quả để nhân rộng, phát huy trong toàn ngành. Tổ chức rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo yêu cầu của Ngành; tăng cường Kiểm sát viên có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn cho lĩnh vực công tác còn hạn chế, tồn tại; phát huy có hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và thực hiện chủ trương tinh giản biên chế; rà soát, quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ có chức danh tư pháp hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cụ thể của cải cách tư pháp. Chỉ đạo các đơn vị chủ động đề ra các giải pháp đột phá để thực hiện, tạo chuyển biến rõ nét trong các khâu công tác còn nhiều hạn chế, yếu kém; chú trọng các giải pháp nhằm thực hiện tốt chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra và nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự, phòng chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật nghiệp vụ và nội vụ, kịp thời chấn chỉnh những khâu công tác chuyên môn yếu kém và những đơn vị còn nhiều hạn chế. Thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật công vụ và phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ ngành. Hai cấp Kiểm sát tỉnh thực hiện tốt quan hệ công tác với cấp ủy, chính quyền địa phương; chủ động nắm, tham mưu, phối hợp xử lý kịp thời các vụ, việc, khiếu kiện phức tạp, bức xúc, dư luận quan tâm, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương; tích cực phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan có liên quan, bảo đảm điều kiện để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND tỉnh. Tiếp tục kiện toàn về tổ chức, bộ máy và cán bộ lãnh đạo của các đơn vị; thực hiện tốt công tác quy hoạch, điều động, luân chuyển cán bộ và bổ nhiệm, bố trí lại chức vụ, chức danh ở hai cấp theo quy định, đã điều động và chuyển đổi vị trí công tác đối với 65 công chức và người lao động ở hai cấp kiểm sát. Lựa chọn đề nghị cho thi tuyển và được bổ nhiệm chức danh tư pháp đối với 237 trường hợp; tuyển dụng mới 33 công chức; nâng lương trước hạn và thường xuyên 567 trường hợp; quyết định đưa đi đào tạo tại địa phương đối với 217 trường hợp và của ngành đối với 323 trường hợp.


Đội ngũ Kiểm sát viên ngành KSND tỉnh Kiên Giang có tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với công việc, được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Đội ngũ cán bộ của ngành đã thực sự trưởng thành theo thời gian và được minh chứng rõ nhất bởi sự đánh giá cao, tin tưởng của cấp ủy các cấp về nguồn bố trí cán bộ lãnh đạo phục vụ cho yêu cầu chính trị của địa phương. Đã có hơn 20 đồng chí chuyển ngành, đảm nhận nhiệm vụ mới là Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Giám đốc sở, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy và đứng đầu các cơ quan trong hệ thống các ngành tư pháp tỉnh, huyện, thành phố, địa phương cơ sở.

 

Lãnh đạo hai cấp kiểm sát quán triệt thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện lời Bác Hồ dạy đối với cán bộ ngành KSND phải “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đối chiếu với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành để trau dồi, rèn luyện nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về phẩm chất đạo đức, tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ và công tâm trong thực thi nhiệm vụ. Qua đó, hầu hết cán bộ, Kiểm sát viên đã có sự nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, vận dụng vào công việc thực tế của cơ quan, trong đời sống hàng ngày có hiệu quả.

Đối với công tác quản lý, chỉ đạo điều hành: Ngay sau khi VKSND tối cao tổ chức hội nghị triển khai công tác hàng năm, VKSND tỉnh đã tổ chức hội nghị đến hai cấp để quán triệt thực hiện nghiêm chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao và kế hoạch công tác của VKSND tỉnh hàng năm, cụ thể hóa các nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh; tích cực chỉ đạo, điều hành theo chủ trương và phương châm của ngành “Đoàn kết, đổi mới - trách nhiệm, kỷ cương - thực chất, hiệu quả”. Chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị hai cấp đề ra biện pháp tập trung thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao, coi đây là yêu cầu, nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của cơ quan, đơn vị mình. Chủ động xác định, lựa chọn mặt hạn chế, yếu kém của kiểm sát viên trong hoạt động xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa hình sự để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, phù hợp với đặc điểm, tình hình của đơn vị, nhất là thông qua tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Triển khai hướng dẫn việc số hóa hồ sơ vụ án và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa nhằm nâng cao tính thuyết phục trong quá trình xét hỏi, tranh tụng theo đề án của VKSND tối cao, định hướng mô hình “ Kiểm sát điện tử” trong hoạt động.

 Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; chú trọng xây dựng điển hình tiên tiến của ngành KSND Kiên Giang, giai đoạn 2015 - 2020; lựa chọn, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến; tổ chức hội nghị triển khai chuyên đề về công tác; tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua trong ngành KSND; Viện trưởng VKSND tỉnh đã chủ động phát động phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/9/1969 - 2/9/2019) và chào mừng kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019). Thực hiện tốt các phong trào thi đua có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả trong năm 2019 như phong trào “Thi đua lập thành tích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” và hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2 (2016 - 2020) gắn với phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

Ngành chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết thực hiện chương trình phối hợp thực hiện việc lãnh đạo công tác của mỗi ngành. Tổ chức các hội nghị ký kết 6 quy chế phối hợp với Công an, Tòa án nhân dân, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trại tạm giam và Cục Thi hành án dân sự tỉnh để thực hiện công tác phối hợp đảm bảo đúng chức năng, nhiệm của từng ngành. Chỉ đạo thực hiện việc tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo VKSND hai cấp. Kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện nghiêm quy định của pháp luật tố tụng hành chính; phối hợp với UBND tỉnh tổ chức thành công với phạm vi ảnh hưởng toàn tỉnh 02 hội nghị chuyên đề “Một số vấn đề về ban hành Quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai tại tỉnh Kiên Giang”; chuyên đề “Thực trạng ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính và thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án hành chính và thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh. Kiến nghị Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo các cơ quan tư pháp đẩy mạnh xử lý án trật tự xã hội, quản lý đất đai; chủ động có văn bản phối hợp với Công an, Tòa án nhân dân tỉnh trong chỉ đạo giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và xử lý kịp thời; tham dự họp giao ban tư pháp cấp huyện để nắm bắt tình hình, cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. VKSND tỉnh đã tổ chức ký kết “Quy chế phối hợp giải quyết các vụ án hình sự; vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân”. Tổ chức hội nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm trong công tác nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Về số hóa hồ sơ: VKSND tỉnh thực hiện tốt chủ chương về số hóa hồ sơ vụ án hình sự, đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện kể từ 1/11/2019, thí điểm tại một số đơn vị thuộc VKSND tỉnh và VKSND cấp huyện; hướng tới sẽ áp dụng tại tất cả các đơn vị hai cấp trong tỉnh và trên tất cả các lĩnh vực công tác, trong đó thực hiện sớm số hóa hồ sơ tổ chức cán bộ và thi đua, khen thưởng. Bước đầu triển khai thực hiện đã giúp Kiểm sát viên thuận tiện trong việc nghiên cứu hồ sơ, phục vụ tốt cho việc tranh luận tại các phiên tòa, thuận tiện cho việc lưu trữ hồ sơ lâu dài.  

Một trong những thế mạnh của ngành Kiểm sát tỉnh là: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành, chủ động xây dựng các giải pháp phát huy tối đa ứng dụng công nghệ. Xây dựng chuyên đề về thực hiện khâu đột phá; ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc theo dõi chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cơ quan. Kết quả về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý điều hành trong ngành, đã thực hiện được trên 99% các văn bản được trao đổi dưới dạng điện tử. Xây dựng biểu đồ phân tích số liệu thống kê một số kết quả công tác kiểm sát theo từng đơn vị và các chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành KSND (theo tháng, 6 tháng và năm). Qua biểu đồ nhìn được tổng quát tình hình tội phạm xảy ra từng địa bàn, kết quả các khâu công tác kiểm sát ở hai cấp kiểm sát và của từng đơn vị thuộc VKSND tỉnh. Qua biểu đồ so sánh, đánh giá kết quả công tác, đồng thời cũng là kết quả để bình xét thi đua 6 tháng, hàng năm; giúp cho lãnh đạo nắm và có chỉ đạo kịp thời. Duy trì hệ thống hội nghị trực tuyến giao ban hàng tuần vào sáng thứ 5 giữa điểm cầu VKSND tỉnh và 15 điềm cầu VKSND cấp huyện và điểm cầu kết nối với Tỉnh ủy phục vụ cho việc học tập tiếp thu nghị quyết…, thực hiện tốt trang hồ sơ công việc và hộp thư điện tử của ngành, UBND tỉnh để trao đổi, duyệt văn bản theo chế độ không mật.

VKSND tỉnh quán triệt chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao và tiếp thu nội dung hội nghị trực tuyến của ngành về chữ ký số. Trong khi chờ VKSND tối cao triển khai thực hiện, theo yêu cầu của UBND tỉnh, VKSND tỉnh đã đăng ký, được cấp và triển khai thực hiện chữ ký số của cơ quan VKSND tỉnh và các chữ ký của Viện trưởng, Phó Viện trưởng phụ trách Văn phòng cơ quan. Chính thức thực hiện từ ngày 01/12/2019 đối với các văn bản hành chính thông thường và giao dịch qua kho bạc, qua Bảo hiểm xã hội tỉnh, đảm bảo yêu cầu bảo mật và ứng dụng công nghệ của chính quyền điện tử.  

VKSND tỉnh thực hiện tốt Chỉ thị số 06/CT-VKSTC, ngày 02/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm của Viện KSND trong việc theo dõi, quản lý, giải quyết các vụ án hình sự tạm đình chỉ, qua đó được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chỉ thị. Tổ chức cuộc thi kỹ năng Kiểm sát viên nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính VKSND tỉnh, đã tổ chức cuộc thi “kỹ năng viết cáo trạng, bản luận tội các vụ án hình sự; bài phát biểu các vụ việc dân sự, hành chính lần thứ I năm 2019”. Qua cuộc thi đã đánh giá được những ưu điểm và hạn chế về kỹ năng thực tiễn của từng công chức, Kiểm sát viên để làm cơ sở cho công tác bố trí, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm trong thời gian tới.

Việc ứng dụng phần mềm “phòng họp không giấy”; “giao việc tức thời, nhắc việc thông minh”, VKSND tỉnh phối hợp Viễn thông Kiên Giang hỗ trợ vận hành hệ thống VNPT e-Cabinet được thiết lập, cài đặt và đăng nhập hệ thống gồm có các địa chỉ của lãnh đạo VKSND tỉnh, lãnh đạo đơn vị thuộc VKSND tỉnh, lãnh đạo 15 VKSND cấp huyện và chuyên viên công nghệ thông tin, nhằm giảm văn bản, giấy tờ hành chính trong phòng họp tiết kiệm kinh phí lớn cho cơ quan; đẩy nhanh hiệu quả làm việc, tiết kiệm thời gian, giúp lãnh đạo đưa quyết định kịp thời, nhanh chóng và chính xác. Kết quả triển khai tại VKSND tỉnh đã được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cho nhân rộng đến hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh.

        IV. THÀNH TÍCH VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1. Thành tích

            Với sự phấn đấu và trưởng thành qua 45 năm xây dựng và phát triển, VKSND tỉnh Kiên Giang đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba và Huân chương lao động hạng Nhì; 9 năm liên tục từ năm 2010 đến 2018 nhận Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua do Viện trưởng VKSND tối cao tặng; Năm 2019 được Chính phủ tặng Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua; Năm 2013 và 2019 được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Cờ đơn vị dẫn đầu khối thi đua; Năm 2015 được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011- 2015; có 01 đồng chí được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc và hàng trăm lượt cán bộ, Kiểm sát viên được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, Chiến sỹ thi đua ngành và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao....

         Thành tích và những ưu điểm nổi bật của ngành KSND tỉnh Kiên Giang thể hiện sự nỗ lực, cống hiến của toàn thể công chức và người lao động của hai cấp kiểm sát trong 45 năm qua.

2. Bài học kinh nghiệm

Qua hoạt động thực tiễn, một số bài học kinh nghiệm được đúc kết như sau:

Một là: Phải luôn bám sát yêu cầu chính trị của địa phương để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành. Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành gắn liền với việc tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực có liên quan. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, trung thành, tận tuỵ; rèn luyện bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp. Đào tạo cán bộ có trình độ, năng lực nghiệp vụ thực tiễn đi liền với việc củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đảm bảo cơ chế hoạt động nhịp nhàng có hiệu quả.

Hai là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của ngành, gắn công tác xây dựng ngành với công tác xây dựng Đảng. Quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đồng thời chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng về tăng cường pháp chế, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các quy chế làm việc, quy chế nghiệp vụ gắn với cải tiến lối làm việc. Thường xuyên thực hiện tốt việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong ngành. Củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Cán sự Đảng, xây dựng đảng bộ cơ quan, chi bộ ở các đơn vị thật sự trong sạch, vững mạnh.

 Ba là: Không ngừng đổi mới công tác cán bộ, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; đề cao tính chủ động, sáng tạo, yêu cầu người đứng đầu phải thực sự “công bằng, trách nhiệm, gương mẫu”; cấp dưới phải “trung thực, tận tụy, trách nhiệm” trong công việc. Tích cực biểu dương những cách làm hay, phương pháp hiệu quả để nhân rộng, phát huy trong toàn ngành. Chủ động phối hợp với các ngành liên quan ký kết quy chế phối để thực hiện công tác nhằm đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm của từng ngành. Thường xuyên tổ chức hội nghị để rút kinh nghiệm trong công tác nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

 Bốn là: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành, chủ động xây dựng các giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Xây dựng chuyên đề về thực hiện khâu đột phá “tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong ngành KSND tỉnh Kiên Giang”. Ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc theo dõi chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cơ quan.

Năm là: Tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan, đặc biệt là cơ quan tố tụng và cơ quan tư pháp khác, nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về an ninh quốc gia, tham nhũng, ma tuý, tội phạm có tổ chức, tội phạm công nghệ cao..., có chiều hướng tăng lên và diễn biến phức tạp; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Hoạt động kiểm sát phải dựa vào nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí để tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật, tạo dư luận xã hội ủng hộ cuộc đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, xây dựng ngành KSND trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế trong tình hình mới, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo các tiêu chuẩn để xây dựng ngành KSND trong sạch, vững mạnh; “Kiểm sát điện tử” trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0./.




 
 
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
Địa chỉ: Số 573 Nguyễn Trung Trực, P. An Hòa, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang
Chịu trách nhiệm: ông Lê Văn Dương - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang.
Email: bbt.vkskiengiang@gmail.com     Ðiện thoại: 0297. 3811869     Fax: 0297. 3811873
Chung nhan Tin Nhiem Mang