Trong tố tụng dân sự, việc xác địnhToà án có trách nhiệm tiến hành hoà giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự đã được quy định tại Điều 10 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (BLTTDS). Cũng tương tự như vậy, Điều 12 Luật tố tụng hành chính (Luật TTHC) năm 2010 ghi nhận trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Toà án tạo điều kiện để các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án.
Về quyền của các đương sự, theo khoản 2, Điều 5 của BLTTDS thì trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các đương sự có quyền thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội và khoản 11 của Điều 49 Luật TTHC cũng quy định những người tham gia tố tụng cũng có quyền đối thoại trong quá trình Toà án giải quyết vụ án. Tuy sử dụng hai thuật ngữ khác nhau nhưng “hòa giải” trong BLTTDS và “đối thoại” trong Luật TTHS đều có một mục đích là nhằm cho các đương sự đạt được những thỏa thuận về việc giải quyết vụ án.
Tuy nhiên trong trường hợp các đương sự đạt được sự thỏa thuận với nhau, thì hậu quả pháp lý của “hòa giải” và “đối thoại” sẽ khác nhau. Nếu như các đương sự trong các vụ, việc dân sự đạt được thỏa thuận chung, sẽ được Tòa án công nhận bằng một quyết định, có giá trị thi hành như một bản án. Trong các vụ án hành chính, nếu các đương sự đạt được thỏa thuận chung thông qua việc ngườibị kiện hủy bỏ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện hoặc người khởi kiện rút đơn khởi kiện; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (nếu có) rút yêu cầu thì vụ án sẽ được đình chỉ. Vấn đề đặt ra ở đây là “đối thoại” trong các vụ án hành chính có được xem là thủ tục bắt buộc như thủ tục “hòa giải” trong hầu hết các tranh chấp dân sự (trừ các trường hợp không được hòa giải theo quy định của BLTTDS) hay không?
Theo “Chương trình bồi dưỡng cho Cán bộ, Kiển sát viên làm công tác dân sự, hành chính ở Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện” năm 2013 của Phân hiệu Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh có đoạn viết: “Luật TTHC (Điều 12) quy định Tòa án phải tạo điều kiện cho các bên đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án, Kiểm sát viên phải kiểm sát việc tuân thủ quy định này của Thẩm phán, đây là thủ tục bắt buộc vì có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án” (1)
Trong khi đó, tại tài liệu “Trao đổi nghiệp vụ năm 2012” của Trường Cán bộ Tòa án giải thích “Căn cứ vào những quy định nêu trên (của Luật TTHC) (2) thì đối thoại không phải là thủ tục mang tính bắt buộc trong quá trình giải quyết vụ án hành chính mà chỉ mang tính chất khuyến khích đối thoại giữa các bên trong quá trình giải quyết vụ án theo yêu cầu của các bên đương sự” (3)
Trên cơ sở của Luật tố tụng hành chính, chúng ta thấy Điều 12 của luật này quy định trách nhiệm của Tòa án là phải tạo điều kiện cho các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án hành chính nhưng khi quy định nhiệm vụ của Thẩm phán tại khoản 4, Điều 36 thì Thẩm phán chỉ có nhiệm vụ “Tổ chức việc đối thoại giữa các đương sự khi có yêucầu”. Điều này có nghĩa là trong trường hợp các bên đương sự đều không có yêu cầu thì thủ tục đối thoại không phải là thủ tục bắt buộc, chỉ khi nào một hoặc các bên đương sự có yêu cầu mà Thẩm phán không tổ chức đối thoại thì mới được xem là vi phạm nghiệm trọng thủ tục tố tụng hành chính.
Từ nhận thức đến việc vận dụng pháp luật trong quá trình giải giải quyết vụ việc cụ thể là quá trình của tư duy tác động đến thực tiễn, đây là giai đoạn rất quan trọng vì nó ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, chất lượng của công việc. Trong trường hợp cụ thể này, từ nhận thức không toàn diện đến việc hướng dẫn, giảng dạy áp dụng pháp luật không đúng làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác kiểm sát trên diện rộng. Thiết nghĩ chúng ta cần phải nghiên cứu, trao đổi với ngành Tòa án để thống nhất quan điểm về thủ tục đối thoại trong tố tụng hành chính.
ThS. Nguyễn Minh Sơn
(Trưởng phòng 12, VKSND tỉnh Kiên Giang)