Thực hiện Kế hoạch công tác kiểm sát năm 2014 và Kế hoạch số 167/KH-VKS ngày 14/4/2014 của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện An Minh về việc tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm. Ngày 21/5/2014, đơn vị phối hợp với Tòa án nhân dân huyện An Minh tổ chức phiên tòa hình sự làm phiên tòa rút kinh nghiệm, để nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, giúp cho Kiểm sát viên nâng cao kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác thực hành quyền công tố và tranh luận tại các phiên tòa hình sự.
Dự phiên tòa rút kinh nghiệm có đồng chí Huỳnh Minh Hiền, Phó Viện trưởng và các Kiểm sát viên và cán bộ làm công tác kiểm sát án hình sự của đơn vị VKSND huyện An Minh.
Phiên tòa được mở vào lúc 08 giờ, ngày 21/5/2014 xét xử hai bị cáo Phan Thanh Duy, sinh ngày 15/5/1996 và Phan Vũ Linh, sinh năm 1992 về tội Cố ý gây thương tích.
Nội dung vụ án: Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 14/10/2013, sau khi đã uống bia tại nhà, Phan Thanh Duy rủ Phan Vũ Linh đến quán Karaoke NaNa ở khu vực III, thị trấn Thứ 11 để tìm bạn gái tên Bùi Ngọc Nữ Em. Khi vào phòng thấy Nữ Em, Nguyễn Vũ Phong và một số người bạn nhậu chung nên Duy và Linh dùng ty phuộc xe mang theo đánh nhiều cái vào người Vũ Phong. Sau đó bỏ đi xuống cầu thang, thấy Vũ Phong điện thoại tại quầy tiếp tân ở tầng 1 nên Duy và Linh quay lại tiếp tục dùng ty phuộc xe đánh Vũ Phong gây thương tích 16% và lên xe đi về.
Sau khi tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm do Kiểm sát viên Phạm Chí Tâm thực hành quyền công tố, ngày 22/5/2014 đơn vị đã tổ chức họp rút kinh nghiệm và có nhận xét, đánh giá như sau:
* Ưu điểm:
- Về thủ tục tố tụng: Kiểm sát viên thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, đúng Quy chế nghiệp vụ của ngành, có báo cáo đề xuất, quan điểm của từng giai đoạn tố tụng.
- Giai đoạn kiểm sát điều tra: Kiểm sát viên có đề xuất lãnh đạo phê chuẩn các quyết định, lệnh của Cơ quan điều tra; kiểm sát chặt chẽ ngay từ giai đoạn điều tra, có đề ra yêu cầu điều tra để làm rõ hành vi thực hiện việc cố ý gây thương tích của từng bị can. Kết thúc điều tra KSV đã trực tiếp hỏi cung để làm rõ lại hành vi phạm tội của các bị can, trên cơ sở đó xây dựng cáo trạng đúng và đẩy đủ nội dung của vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và quy chế nghiệp vụ; có diện dẫn chứng cứ và các tình tiết buộc tội, gỡ tội cho các bị can, có ghi bút lục đầy đủ.
- Giai đoạn chuẩn bị xét xử: Kiểm sát viên có trích cứu hồ sơ đầy đủ, có chuẩn bị đề cương thẩm vấn đối với bị cáo, có báo cáo án và đề xuất lãnh đạo Viện duyệt mức án, có nhật ký Kiểm sát viên. Kiểm sát viên có chuẩn bị kế hoạch thẩm vấn đối với từng bị cáo, người bị hại và người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan; dự kiến tình huống phát sinh tại phiên tòa.
- Giai đoạn tham gia phiên tòa
+ Về bản Cáo trạng: Kiểm sát viên công bố bản cáo trạng mà Viện kiểm sát đã truy tố các bị cáo tại phiên tòa, thể hiện được tính uy nghiêm, đọc cáo trạng mạch lạc, có điểm nhấn ở những chỗ quan trọng.
+ Về phần xét hỏi tại phiên tòa: Sau khi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân đã xét hỏi xong, Kiểm sát viên có thẩm vấn từng bị cáo để làm rõ những tình tiết trong vụ án. Qua xét hỏi các lời khai của các bị cáo và những người có liên quan tại phiên tòa được làm rõ đều phù hợp với những chứng cứ mà Viện kiểm sát đã truy tố.
+ Về bản luận tội: Kiểm sát viên có chuẩn bị bản luận tội, nội dung luận tội thể hiện được tính thuyết phục, mang tính giáo dục cao, có phân tích đánh giá chứng cứ, đánh giá tình hình; áp dụng những quy định đối với bị cáo là người chưa thành niên, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ phù hợp với quy định pháp luật; đề nghị áp dụng hình phạt phù hợp với tính chất và mức độ của từng bị cáo.
Về mức án, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử:
Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1 Điều 46; khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 60; Điều 69 và Điều 74 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Phan Thanh Duy từ 06 – 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 12 - 18 tháng. HĐXX chấp nhận xử 9 tháng tù, cho hưởng án treo.
Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1 Điều 46; khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 60 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Phan Vũ Linh từ 09 – 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. HĐXX chấp nhận xử 9 tháng tù, cho hưởng án treo.
Về trách nhiệm dân sự: Do các bị cáo đã bồi thường xong cho người bị hại và bị hại không có yêu cầu bồi thường thêm nên không xem xét.
+ Về quá trình tranh tụng tại phiên tòa: Tại phiên tòa KSV đã có những tranh luận, đối đáp với người bào chữa cho bị cáo. Người bào chữa đã đưa ra những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Duy, ngoài những tình tiết đã được Kiểm sát viên đề nghị, người bào chưa còn đưa ra tình tiết giảm nhẹ ở điểm h Điều 46 BLHS (phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng) để đề nghị xét xử bị cáo Duy 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Qua đó Kiểm sát viên đã tranh luận với người bào chữa như sau: Việc người bào chữa đề nghị áp dụng điểm h Điều 46 BLHS là không phù hợp, do bị cáo Phan Thanh Duy, tuy là mới phạm tội lần đầu nhưng không thuộc ở trường hợp ít nghiêm trọng (hành vi phạm tội thuộc khoản 2 Điều 104 BLHS là tội nghiêm trọng). Vì vậy không thỏa mãn theo quy định tại điểm h Điều 46 BLHS, nhưng ở đây người bào chữa đã đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo Duy 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và đây cũng là khung hình phạt mà Viện kiểm sát đã đề nghị, nên KSV đề nghị Hội đồng xét xử không áp dụng tình tiết nêu trên.
- Phần tuyên án: HĐXX chấp nhận đề nghị của KSV, tuyên án trong khoản đề nghị mức án của KSV; phần dân sự, bị hại không yêu cầu nên miễn xét.
- Giai đoạn sau phiên tòa: Kiểm sát viên có báo cáo kết quả xét xử; lập phiếu kiểm sát đầy đủ.
* Về hạn chế: Qua phiên tòa tại cuộc họp rút kinh nghiệm cho thấy Kiểm sát viên còn có một số hạn chế cần được khắc phục cho các phiên tòa hình sự sau là: Ở phần quyết định đưa vụ án ra xét xử, Hội thẩm nhân dân có sự thay đổi (Hội thẩm chính vắng mặt thay vào đó là Hội thẩm dự khuyết), nhưng Thẩm phán không giải thích, thông báo đến những người tham gia tố tụng biết, nhưng Kiểm sát viên không phát hiện, không có ý kiến về việc này; việc cập nhật ghi chép các thông tin vào nhật ký KSV chưa được đầy đủ; trong xét hỏi KSV chưa dự liệu trước về lời khai của các bị cáo đối với hành vi đầu thú, nên thiếu chủ động trong các câu xét hỏi, việc xét hỏi thiếu mạnh mẽ.
Qua phiên tòa rút kinh nghiệm đã giúp cho cán bộ, Kiểm sát viên VKSND huyện An Minh rút ra được nhiều kinh nghiệm thiết thực trong quá trình xét xử án hình sự./.
Bài và ảnh: Huỳnh Hải Đăng
(VKSND huyện An Minh)