Đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm (tố
giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố) là một trong những quyền năng
quan trọng của Viện Kiểm sát, thẩm quyền cơ bản này được giao cho Kiểm sát viên
được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn
tin về tội phạm. Bản yêu cầu, kiểm tra xác minh thể hiện ý chí, quan điểm của
Kiểm sát viên trong quá trình kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, thể
hiện năng lực, trình độ, bản lĩnh, nắm chắc hồ sơ vụ việc và bám sát tiến độ kiểm
tra, xác minh của Kiểm sát viên trong việc yêu cầu thu thập chứng cứ, được lưu
vào hồ sơ nguồn tin về tội phạm và hồ sơ kiểm sát. Bản yêu cầu kiểm tra, xác
minh chất lượng sẽ góp phần cho kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm đảm bảo
tính có căn cứ và tính hợp pháp, không để xảy ra oan, sai cho các giai đoạn tố
tụng sau, góp phần tích cực cho Điều tra viên kiểm tra, xác minh đúng trọng
tâm, đẩy nhanh được tiến độ giải quyết vụ việc.
Yêu cầu kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm trong giai
đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm được quy định tại khoản 3 Điều
12 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014, khoản 2 Điều 159 Bộ luật Tố tụng
Hình sự và Điều 10, Điều 13 Thông tư liên tịch số
01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài
chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy
định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số
quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác,
tin báo
về tội phạm, kiến nghị khởi tố (viết tắt là Thông tư liên tịch số 01/2017). Việc đề ra yêu cầu
kiểm tra, xác minh của Kiểm sát viên được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 41 Quyết định số
111/QĐ-VKSTC ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối
cao
về việc ban hành Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố,
điều tra và truy tố (viết tắt là Quyết định số 111), đã quy định: “Trong quá trình thực hành quyền công tố,
kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị
khởi tố, trường hợp thấy cần phải kiểm tra tính xác thực của nguồn tin về tội
phạm; thu thập, củng cố chứng cứ, tài liệu, đồ vật để làm rõ những tình tiết liên
quan đến những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự quy định tại Điều 85 và Điều 441 Bộ luật Tố tụng hình sự, Kiểm sát viên phải
kịp thời đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh bằng lời nói hoặc bằng văn bản.
Yêu cầu kiểm tra xác minh có thể được thực hiện nhiều lần. Văn bản yêu cầu
kiểm tra, xác minh phải được đưa vào hồ sơ vụ việc, lưu hồ sơ kiểm sát”…
Về giá trị pháp lý:
theo quy định tại khoản 2 Điều 159 Bộ luật Tố tụng Hình sự như sau “Khi cần thiết, đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh
và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm thực hiện”. Theo quy định thì Cơ quan điều tra, cơ quan điều
tra ban đầu bắt buộc phải thực hiện theo yêu cầu của Viện Kiểm sát, do đây là
văn bản tố tụng.
Qua công tác thực hiện chức
năng, nhiệm vụ kiểm sát cũng như nghiên cứu thực hiện các chỉ tiêu thi đua, nhận
thấy giá trị pháp lý của bản yêu cầu kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm
còn một số bất cập, cách hiểu và thực hiện chưa thống nhất như sau:
1. Về chủ thể Kiểm sát viên thực hiện theo quy định
quyền năng pháp lý
Căn cứ pháp lý đề ra bản yêu cầu
kiểm tra, xác minh của Kiểm sát viên chưa được quy định rõ ràng, cụ thể trong Bộ
luật Tố tụng Hình sự cũng như văn bản hướng dẫn Bộ luật này. Cụ thể khi chúng
ta nghiên cứu Điều 42 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và
trách nhiệm của Kiểm sát viên lại không quy định “quyền đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh” của Kiểm sát viên. Điều luật
chỉ quy định “quyền đề ra yêu cầu điều
tra”, trong khi quyền “yêu cầu”
là một trong những quyền năng pháp lý của Viện Kiểm sát, để thực hiện quyền
này, chỉ trao cho Kiểm sát viên được quyền yêu cầu điều tra, còn trong giai đoạn
tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm Kiểm sát viên thực hiện việc Kiểm
sát. Đây là thiếu sót về mặt pháp luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách
nhiệm của Kiểm sát viên.
Hiện nay, Kiểm sát viên thực hiện
quyền này chỉ được quy định cụ thể tại Điều 41 Quyết định số 111.
2. Về tính bắt buộc thực hiện
Bản yêu cầu kiểm tra, xác minh
nguồn tin về tội phạm được ban hành từ khi nào? Theo quy định tại khoản 2 Điều
159 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì khi cần thiết sẽ đề ra yêu cầu kiểm tra, xác
minh.
Luật dùng từ “khi cần thiết”, thì không phải là mang
tính bắt buộc đối với chủ thể thực hiện quyền yêu cầu, cụ thể là Kiểm sát viên.
Sở dĩ luật quy định như vậy là có những vụ việc đơn giản, chứng cứ rõ ràng đủ
thủ tục để xử lý kết thúc giải quyết nguồn tin về tội phạm nên không cần đề ra
yêu cầu kiểm tra, xác minh. Ngược lại, đối với những vụ việc phức tạp, chứng cứ
mâu thuẫn, nên cần phải đề ra một hoặc nhiều bản yêu cầu kiểm tra, xác minh để
mang tính định hướng cho Điều tra viên ngay từ đầu củng cố, thu thập chứng cứ,
đảm bảo cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, việc Kiểm sát viên đề
ra yêu cầu kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm chúng ta phải nhận thức và
hiểu rằng không phải đơn thuần chỉ là quyền năng pháp lý, quyền thì có nghĩa là
làm hoặc không làm. Chúng ta phải nhận thức ở đây là nhiệm vụ, quyền hạn và
trách nhiệm của Viện Kiểm sát, Kiểm sát viên được phân công phải thực hiện. Nhiệm
vụ, trách nhiệm là phải thực hiện theo quyền hạn được giao, để thể hiện có
trách nhiệm với nhiệm vụ, với công việc được phân công của Kiểm sát viên, suy
cho cùng kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm đúng thì đó cũng là kết quả
thực hiện cần đạt được. Đặt vấn đề ngược lại, nếu kết quả giải quyết nguồn tin
về tội phạm không đúng thì thuộc về trách nhiệm của Viện Kiểm sát, Kiểm sát
viên trực tiếp được phân công nhiệm vụ. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng
công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, các chỉ tiêu
nghiệp vụ trong đó có chỉ tiêu ban hành yêu cầu kiểm tra, xác minh, giải quyết
nguồn tin về tội phạm phải đạt 100%, tức là bắt buộc phải thực hiện ban hành
yêu cầu trong mọi trường hợp, không còn mang tính chất bắt buộc tương đối.
3. Về giá trị pháp lý của bản yêu cầu kiểm tra,
xác minh
Theo
quy định thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt
động điều tra bắt buộc phải thực hiện theo yêu cầu của Viện Kiểm sát khi giải
quyết nguồn tin về tội phạm, do đây là văn bản tố tụng, bên cạnh đó, trước khi
kết thúc giải quyết nguồn tin về tội phạm thì đó là căn cứ để Kiểm sát viên và
Điều tra viên lập biên bản đánh giá chứng cứ trước khi ra Quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự
hoặc Quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm (theo Mẫu số 13/VKSTC Ban hành
kèm theo Quyết định số 111). Theo quy
định tại Điều 162 Bộ luật Tố tụng Hình sự chưa ghi nhận việc Cơ quan điều tra,
cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bắt buộc phải thực
hiện theo yêu cầu kiểm tra, xác minh của Viện Kiểm sát trong giai đoạn tiếp nhận,
giải quyết nguồn tin về tội phạm. Đến khi Thông tư liên tịch số 01/2017 ra đời
hướng dẫn thực hiện nội dung trên thì mới ghi nhận việc bắt buộc Cơ quan điều
tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bắt buộc phải
thực hiện theo yêu cầu, quyết định của Viện Kiểm sát trong giai đoạn tiếp nhận,
giải quyết nguồn tin về tội phạm. Nếu cơ quan đang thụ lý giải quyết tố giác,
tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không nhất trí với yêu cầu của Viện kiểm
sát thì vẫn phải thực hiện nhưng có quyền kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên
trực tiếp.
Tuy
nhiên, về mặt pháp lý phát sinh bất cập đối với việc thực hiện theo yêu cầu của
Viện Kiểm sát đầy đủ hoặc không đầy đủ thì được ghi nhận như thế nào? Đối với
yêu cầu điều tra còn có thể được xem xét ghi nhận trong bản kết luận điều tra
những nội dung nào thực hiện được, những nội dung nào chưa thực hiện được. Đối
với giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm thì ghi nhận như thế nào đối với
bản yêu cầu của Viện Kiểm sát? Thực tế Kiểm sát viên chỉ có thể ghi nhận thông
qua kết quả cuối cùng giải quyết nguồn tin về tội phạm, có đảm bảo tính có căn
cứ và tính hợp pháp chưa, sau khi trao đổi nếu thống nhất thì Kiểm sát viên và
Điều tra viên sẽ lập biên bản đánh giá chứng cứ. Đối với những nội dung chưa chấp
hành đầy đủ, nhưng đủ căn cứ để ra Quyết định giải quyết (có vi phạm nhưng
không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên) thì
Kiểm sát viên cập nhật vào nhật kí kiểm sát, để theo dõi vi phạm trong hoạt động
tư pháp, tập hợp kiến nghị trong việc chấp hành yêu cầu của Viện Kiểm sát. Nếu
không chấp hành đầy đủ thì Kiểm sát viên có thể báo cáo lãnh đạo để đề ra yêu cầu
cung cấp tài liệu, chứng cứ để làm căn cứ ra Quyết định giải quyết nguồn tin về
tội phạm.
4. Về hình thức bản yêu cầu kiểm tra, xác minh
Được
thực hiện theo Mẫu số 04/HS Ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày
09/01/2018 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Quyết định về việc Ban hành Mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp
vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và
truy tố.
* Một số đề xuất, kiến nghị nâng cao chất lượng Bản
yêu cầu kiểm tra, xác minh
Để nâng cao chất lượng, hiệu lực
và hiệu quả của Bản yêu cầu kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm cần phải
thực hiện các bước như sau:
- Đề xuất về mặt pháp lý:
+ Khoản 1 Điều 42 Bộ luật Tố tụng
Hình sự bổ sung thêm cụm từ: “Đề ra yêu cầu
kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm” ngay sau cuối điểm a khoản 1 Điều
này.
+ Điều 162 Bộ luật Tố tụng Hình
sự bổ sung thêm nội dung: “Cơ quan điều
tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải thực
hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và khởi tố”.
+ Sớm ban hành văn bản quy phạm
pháp luật hướng dẫn về việc Cơ quan điều tra khi kết thúc giải quyết nguồn tin
về tội phạm phải xây dựng báo cáo ghi rõ nội dung đã thực hiện được hoặc chưa
được theo yêu cầu của Viện Kiểm sát, nêu rõ lý do và phải đưa vào hồ sơ vụ việc,
để làm cơ sở cho Kiểm sát viên và Điều tra viên thực hiện.
- Về mặt thực tiễn:
+ Ngành cấp trên tăng cường
công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tọa đàm về trách nhiệm, kỹ năng, trình
độ, trình tự của các bước ban hành bản yêu cầu kiểm tra, xác minh nguồn tin về
tội phạm.
+ Tổ chức rút kinh nghiệm trong
việc ban hành bản yêu cầu kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, nhất là những
vụ việc thường xuyên xảy ra, phức tạp, thường mắc phải thiếu sót, sai lầm trong
nhận thức và áp dụng pháp luật cho những giai đoạn tố tụng sau này khi kết thúc
việc giải quyết. Kết hợp với nêu gương điển hình thực hiện tốt, cách làm hay để
thực hiện rộng rãi, tất cả vì chức năng, nhiệm vụ chung của ngành.
- Giải pháp:
+ Đẩy mạnh công tác triển khai,
quán triệt cho Kiểm sát viên, cán bộ nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan
trọng cũng như nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên đối với Bản
yêu cầu kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm.
+ Kiểm sát viên phải nâng cao
hơn nữa vai trò, tinh thần và trách nhiệm của mình trong công tác thực hành quyền
công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm như: nghiên
cứu kĩ, nắm chắc hồ sơ nhất là chứng cứ để giải quyết để kịp thời phát hiện thiếu
sót, phải nghiên cứu và bám sát kế hoạch kiểm tra, xác minh của Điều tra viên,
nắm chắc tiến độ giải quyết, yêu cầu chuyển giao tài liệu, chứng cứ để kiểm
sát, xác nhận bút lục, thường xuyên báo cáo tiến độ cho Lãnh đạo Viện Kiểm sát
để có định hướng chỉ đạo ngay từ đầu (chú
ý thực hiện nghiêm và đúng mẫu báo cáo trước
khi ra Quyết định số 13/VKSTC Ban hành kèm theo Quyết định số 111).
+ Ban hành bản yêu cầu kiểm
tra, xác minh đảm bảo về hình thức và nội dung, cụ thể như sau: phải ban hành
đúng mẫu số 04/HS Ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Quyết định về việc Ban hành Mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp
vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và
truy tố; về nội dung trước khi ban hành phải nghiên cứu nội dung kế hoạch kiểm
tra, xác minh của Điều tra viên, để yêu cầu những nội dung còn chưa rõ, chưa
đầy đủ, còn mâu thuẫn, nhất là tội danh để xử lí phải căn cứ vào 04 yếu tố cầu
thành tội phạm. Song song đó, chú ý yêu cầu thực hiện việc giải thích quyền và
nghĩa vụ của người tố giác, bị tố giác và những người tham gia tố tụng khác và
phải được ghi vào biên bản. Ngay trong giai đoạn này, phải yêu cầu thực hiện
nghiêm việc ghi đầy đủ thông tin vào biên bản, tư cách tham gia tố tụng, thu
thập giấy tờ về nhân thân – hộ tịch, Điều luật giải thích quyền và nghĩa vụ, gạch
chéo phần biên bản còn trống; chú ý trường hợp người tham gia tố tụng có thuộc
khuyết tật về nghe, nói, nhận thức, dân tộc thiểu số, dân tộc ít người, có biết
chữ hay không để kịp thời yêu cầu cử người bảo vệ, người phiên dịch, người
chứng kiến và cuối cùng là yêu cầu “Khi kết
thúc việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, tiến hành thông báo kết quả giải
quyết, lập biên bản và chuyển giao cho Viện Kiểm sát theo quy định” đây là căn cứ qua trọng để kiểm sát việc thực hiện
đúng quy định thủ tục cấp, tống đạt, chuyển giao văn bản tố tụng hay không, để
làm cơ sở giải quyết khiếu nại, tố cáo về sau đối với kết quả giải quyết. Lưu ý, trước khi ban hành Kiểm sát viên phải
xây dựng bản dự thảo để trình lãnh đạo xem xét, cho ý kiến chỉ đạo, sau đó tiếp
thu, rồi chỉnh sửa và ban hành bản chính thức, đây còn được xem là biện pháp để
lãnh đạo thực hiện tốt công tác phối hợp với Lãnh đạo Cơ quan điều tra, Cơ quan
được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong thực hiện yêu cầu
kiểm tra, xác minh.
+ Tăng cường công tác phối hợp
giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên trong việc thực hiện bản yêu cầu kiểm tra,
xác minh: mục đích cần cuối cùng là giải quyết nguồn tin về tội phạm đúng pháp
luật, góp phần xây dựng tốt mối quan hệ phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ nói
chung và thực hiện theo bản yêu cầu kiểm tra, xác minh nói riêng.
+ Tăng cường tham gia các lớp tập
huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về kĩ năng, trình độ, trình tự của các bước ban hành
bản yêu cầu kiểm tra, xác minh.
+ Cán bộ, Kiểm sát viên thường
xuyên trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm để tự đào tạo qua thực tiễn, góp
phần nâng cao chất lượng và hiệu quả.
|
H. Nghị
(VKSND thành phố Phú Quốc)
|