U Minh Thượng là một huyện của tỉnh Kiên Giang, được thành
lập từ ngày 10/5/2007 theo Nghị định 58/2007/NĐ-CP của Chính phủ, cách
trung tâm Thành phố Rạch Gía tỉnh Kiên Giang 70km. Toàn huyện có 06 đơn vị hành
chính cấp xã gồm: An Minh Bắc,
Hòa Chánh, Minh Thuận, Thạnh Yên, Thạnh Yên A và Vĩnh Hòa. Tổng diện tích tự nhiên của huyện 432.70km2;
dân số gần 70.000 người. Tiềm năng thế mạnh chính của huyện chủ yếu là Nông -
Lâm - Ngư nghiệp; Công nghiệp dịch vụ thương mại chưa phát triển. Huyện U Minh
Thượng có những địa điểm không những mang giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu
như: Căn cứ cách mạng của Trung ương Cục tại Vườn quốc gia U Minh Thượng, của Tỉnh
ủy Rạch Giá qua 02 thời kỳ kháng chiến; khu di tích lịch sử An ninh Khu IX.
Trên địa giới của huyện có Vườn Quốc gia U Minh Thượng là
kiểu rừng úng phèn rất đặc thù, được xếp hạng độc đáo và quý hiếm trên thế giới.
Vườn Quốc gia U Minh Thượng được
bao bọc bởi hệ thống đê bao khép kín có chiều dài 60 km, với khoảng 21.122 ha
thuộc diện tích tại các xã An Minh Bắc, Minh Thuận. Là khu dự trữ sinh quyển thứ
05 ở Việt Nam được UNESCO công nhận; là khu dự trữ lớn thứ 02 trong tổng số 8
Khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam và là một trong hai khu vực quan trọng của rừng đầm lầy
than bùn còn lại ở Việt Nam được công nhận là Vườn di sản ASEAN và khu bảo tồn
đất ngập nước (khu Ramsar) có tầm quan trọng Quốc tế. Do tính độc đáo của hệ
sinh thái rừng ngập nước úng phèn trên đất than bùn đã hình thành sự phong phú
của chuỗi dinh dưỡng tạo điều kiện cho sự hình thành, phát triển nguồn tài
nguyên động thực vật đa dạng phong phú với sự hiện diện của 258 loài thực vật,
32 loài thú, 184 loài chim, 52 loài bò sát lưỡng cư, 64 loài cá, 260 loài côn
trùng và nhiều loài động vật thủy sinh phân bố ở các độ sâu khác nhau trong hệ
sinh thái, trong đó có khoảng 45 loài động, thực vật quý, hiếm nằm trong sách đỏ
Việt Nam (2007) và sách đỏ thế giới (Danh mục IUCN 2019) như: Rái cá lông mũi, Rái cá vuốt bé, Mèo cá, Tê
tê java, Dơi ngựa thái lan, Dơi ngựa lớn, Khỉ đuôi dài; Điêng điểng, Bồ nông
chân xám, Cò lạo Ấn độ, Cò nhạn, Già đẩy java, Quắm đầu đen, Đại bàng đen, Rồng
rộc vàng, Diều cá đầu xám, Hạc cổ trắng; Rắn hổ mang chúa, Trăn mốc, Rắn cạp
nông, Rắn hổ mang, Rắn ráo trâu, Tắc kè, Rùa răng, Rùa ba gờ, Rùa hộp lưng đen,
Kỳ đà vân, Kỳ đà hoa…cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Hình ảnh tuyên truyền bảo vệ các loài
động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm
Trong những năm qua tình hình vi phạm và tội phạm trên địa
bàn huyện ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, trong đó có tội phạm vi phạm
về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp quý, hiếm cũng có chiều hướng gia tăng.
Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng của huyện thì trong 05 năm qua: số người vi phạm quy định về bảo vệ động vật
hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm bị cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý là 71 vụ/ 106 người, trong đó: xử phạt hành chính 66 vụ/ 95 người; xử lý hình
sự 05 vụ/ 11 người. Nguyên nhân phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm về bảo vệ động
vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm là do:
U Minh Thượng là một huyện vùng sâu, đời sống,
kinh tế, xã hội của huyện còn gặp rất nhiều khó khăn; kinh tế chủ yếu của người
dân là nghề nông, trồng hoa màu và thủy sản; trình độ dân trí của huyện còn thấp
so với mặt bằng chung của toàn tỉnh, đây cũng là điều kiện dễ phát sinh các loại tội phạm trên địa
bàn huyện trong thời gian qua. Một nguyên nhân quan trọng nữa, là vì động cơ vụ lợi, các đối tượng
đột nhập vào rừng Vườn Quốc gia thuộc khu vực cấm săn bắt, để săn bắt động vật
nguy cấp, quý, hiếm bán lấy tiền tiêu xài, các đối tượng thường là không có nghề nghiệp, thu nhập không ổn
định, cần có tiền để tiêu xài nên đi săn bắt động vật để bán với giá cao; ngoài ra, một số đối tượng mua bán động vật
là con Tê tê bên ngoài khu vực cấm, nguồn gốc không xác định được, để bán lại
cho người khác, hưởng số tiền lời chênh lệch. Công tác tuyên truyền của
các ngành các cấp ở địa phương chưa thật sự hiệu quả, sâu rộng, dẫn đến người dân thiếu hiểu
biết, loài
nào là loại động vật
hoang dã, quý, hiếm cần được bảo vệ, dẫn đến vi phạm pháp luật. Công tác đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật
và tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm của các ngành
các cấp đôi lúc còn thiếu quyết liệt, việc áp dụng các hình thức xử phạt một vài vụ việc chưa được nghiêm khắc nên dẫn đến còn tái
phạm.
Đối với
các cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng còn có những khó khăn, bất cập nhất định
đó là:
- Hiện nay trên địa bàn tỉnh
ta hiện nay chưa có tổ chức giám định (giám định viên) về động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.
Tất cả các trường hợp giám định từ
trước đến nay đều gửi đến Viện sinh thái học Miền nam. Vì vậy, việc giải quyết
vụ án có liên quan đến động vật hoang
dã, nguy cấp, quý hiếm tốn nhiều kinh phí, thời gian
kéo dài, thậm chí ảnh hưởng đến việc bảo quản vật chứng là động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm
trong thời gian chờ giám định do hiện tại các đơn vị như Cơ quan Kiểm lâm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện vẫn
chưa có cơ sở nuôi nhốt đối với các loài động vật mang tính đặc thù hay chưa có
nhân viên chăm sóc động vật hoang
dã, nguy cấp, quý hiếm từ giai đoạn tạm giữ cho đến khi có quyết định xử lý vật
chứng. Bên cạnh đó, việc nuôi nhốt quá lâu có thể xảy ra trường hợp cá thể động
vật suy kiệt, chết hoặc trốn thoát…dẫn đến không có vật chứng để giám định và
không có cơ sở để xử lý hành vi vi phạm.
-Việc
xác định nhân thân của người phạm tội hiện nay còn nhiều bất cập, như trường hợp
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã có yêu cầu tra cứu tiền án, tiền sự, nhân thân
người phạm tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm,
nhưng nếu cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không cập nhật việc
xử phạt trên hệ thống, dữ liệu tra cứu của cơ quan Công an thì kết quả xác minh
nhân thân của người phạm tội không chính xác.
Ví dụ: Nguyễn Văn A bị cơ
quan Kiểm lâm huyện B, tỉnh C xử phạt vi phạm hành chính về hành vi buôn bán
động vật hoang dã. Sau đó, Công an tỉnh D phát hiện bắt giữ A về hành vi vi
phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Quá trình điều tra, A
không khai việc trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Kết quả tra cứu tiền
án, tiền sự không thể hiện việc A đã bị xử phạt vi phạm hành chính từ cơ quan
Kiểm lâm. Do đó, việc xác định nhân thân của A không chính xác, ảnh hưởng đến
việc áp dụng hình phạt sau này.
Ngoài ra, còn có rất nhiều cơ
quan được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như Chủ tịch Ủy ban nhân
dân, Công an nhân dân… nhưng việc cập nhật thông tin, quản lý người bị xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ dộng vật hoang dã không đầy đủ sẽ ảnh
hưởng không nhỏ đến xác định nhân thân khi xử lý tội phạm, làm cho việc kiểm
sát kết luận điều tra cũng như đánh giá nhân thân bị can trong giai đoạn truy
tố sẽ thiếu chính xác, toàn diện. Đó là chưa kể trong giai đoạn xét xử nếu Tòa
án thu thập chứng cứ mới (bị cáo có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về
hành vi liên quan đến quy định về bảo vệ động vật hoang dã của cơ quan Kiểm lâm
mà trong hồ sơ chưa thể hiện) và trả hồ sơ để điều tra bổ sung; kéo dài thời
hạn tố tụng giải quyết của vụ án.
-Vướng mắc về định tội với lỗi cố ý: Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội “Vi
phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” với lỗi là phải cố ý, là
mong muốn cho hậu quả xảy ra. Tuy nhiên, đối với trường hợp không biết về loài
động vậy nguy cấp, quý, hiếm, không nhận thức được hành vi bắt động vật nguy cấp,
quý, hiếm là vi phạm, không cố ý nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, gây
khó khăn cho việc định tội danh.
Để phòng ngừa và hạn chế được tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm; khắc
phục được những hạn chế, khó khăn của các cơ quan chức năng trong việc xử lý tội
phạm về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm trong thời gian tới, Viện Kiểm sát nhân dân huyện U Minh Thượng đề ra một số giải pháp như sau:
Một là, các cơ quan, ban ngành ở địa phương cần
thường xuyên, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức, viên
chức và người dân ý thức phòng, chống vi phạm và tội phạm,
ý thức bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. Trong vấn đề này, cần chú
trọng các đối tượng là cán bộ, đảng viên vì trong thực tế các sản phẩm của động
vật hoang dã rất đắt đỏ, càng quý hiếm thì càng đắt đỏ, cán bộ, đảng viên có
chức vụ, quyền hạn chủ động sử dụng hoặc được các đối tác biếu hoặc mời sử
dụng. Vì thế, nếu những người này nhận thức được nếu sử dụng là vi phạm pháp
luật thì sẽ hạn chế sử dụng hoặc từ chối khi được mời, được biếu; từ đó lan tỏa
ra xã hội.
Hai là,
các cơ quan chức năng tăng
cường hơn nữa trong công tác phối hợp tiếp nhận và xử lý tố giác, tin báo về tội
phạm; điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm về hành vi vi phạm bảo vệ
động vật hoang dã, nguy cấp quý, hiếm khi xảy ra.
Ba là, các cơ quan Hạt Kiểm lâm; Cơ quan điều tra, Viện Kiểm
sát, Tòa án huyện thường xuyên cử công chức tham gia tập huấn nghiệp vụ, bồi
dưỡng kiến thức pháp luật liên quan đến quy định của pháp luật về bảo vệ động
vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm nhằm cập nhật thông tin cho cán bộ thực thi
nhiệm vụ, phòng, chống vi phạm và tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã, nguy
cấp, quý, hiếm; hướng dẫn các quy định mới, quy trình mới của pháp luật tố tụng
hành chính, tố tụng hình sự trong xử lý các vụ việc, vụ án liên quan đến động
vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa
phương cập nhật thông tin và áp dụng pháp luật được thống nhất và chính xác.
Bốn là, Ủy ban nhân dân
tỉnh cần bố trí giám định viên tư pháp theo vụ việc theo quy định tại Điều 18
và Điều 20 Luật Giám định tư pháp để kịp thời giám định các vụ việc vi phạm xảy
ra trên địa bàn./.
Huỳnh Hải
Đăng
(VKSND huyện U Minh Thượng)