Theo Điều 127 Luật
Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) năm 2014 quy định: Ly hôn có yếu tố nước ngoài là
việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài
với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt
Nam theo quy định của Luật HNGĐ, trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường
trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết
theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ, chồng; nếu họ không có nơi
thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam. Theo khoản 2 Điều 123
Luật HNGĐ quy định thẩm quyền giải quyết các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài được
thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), trừ trường hợp quy
định tại khoản 3 Điều 123 Luật HNGĐ. Theo đó căn cứ Điều 37 BLTTDS, trên địa
bàn tỉnh Kiên Giang thì thẩm quyền giải quyết các vụ, việc trên thuộc thẩm quyền
của Tòa án nhân dân tỉnh, Phòng Kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự (gọi tắt
là Phòng 9) Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh được giao trách nhiệm kiểm sát việc thụ
lý, giải quyết của Tòa án đối với loại án này.

Ảnh minh họa
Trong 03 năm (từ năm
2019 đến năm 2021), Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang kiểm sát việc thụ lý
mới 172 vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài. Trong đó:
+ Địa phương có số án ly hôn có yếu
tố nước ngoài nhiều nhất là thành phố Rạch Giá (chiếm 23,2%), Giồng Riềng (12,8%),
Tân Hiệp (11,7%), Châu Thành (11,6%), Gò Quao (8,7%), các huyện còn lại chiếm tỷ
lệ là 32%.
+ Tỷ lệ ly hôn của phụ
nữ Việt Nam với người nước ngoài nhiều nhất là ở các nước: USA (32,6%), Đài
Loan (26,7%), Hàn Quốc (10,4%), Canada (8,2%), Trung Quốc (6,3%), các nước khác
chiếm tỷ lệ còn lại là 15,8%.
Đáng chú ý, qua công
tác kiểm sát nhận thấy các cô gái trẻ sinh sống ở các huyện ngày càng có xu hướng
kết hôn sớm do được mai mối, nhiều trường hợp khi đăng ký kết hôn chỉ vừa đủ tuổi
(từ đủ 18
đến 20 tuổi). Trong quá trình tìm hiểu nhau, đa số họ nhận được lời hứa hẹn từ
người chồng ngoại quốc là được bảo lãnh sang nước của họ sinh sống, nhưng khi kết
hôn xong thì người chồng không thực hiện lời hứa, nhiều trường hợp sau khi kết
hôn trở về nước thì cắt đứt liên lạc với người vợ ở Việt Nam (xảy ra nhiều là ở
các nước như Đài Loan, Hàn Quốc), có trường hợp mặc dù có đưa người vợ sang nước
ngoài sinh sống nhưng do bất đồng quan điểm, ngôn ngữ nên người vợ tự ý bỏ về
Việt Nam. Chính vì thế, hầu hết các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài, người vợ
Việt Nam đều khởi kiện xin ly hôn và đưa ra lý do là được người thân mai mối,
thời gian tìm hiểu người chồng quá ngắn dẫn đến bất đồng quan điểm sống, ngôn
ngữ, không có tình yêu và sự quan tâm lẫn nhau nên khi người chồng về nước thì không
quay lại Việt Nam và cắt đứt liên lạc. Đa phần các vụ án ly hôn có yếu tố nước
ngoài đều có điểm chung là không có con chung (rất ít trường hợp có con chung
vì thời gian kết hôn và ly hôn quá sớm), không có tài sản chung và nợ chung nên
người khởi kiện là các cô gái trẻ thường yêu cầu Tòa án sớm giải quyết ly hôn cho
họ để họ gỡ bỏ ràng buộc và tìm cho mình hạnh phúc khác.
Theo điểm b, khoản 2,
Điều 476 BLTTDS quy định thời hạn giải quyết các vụ án ly hôn có yếu tố nước
ngoài chậm nhất là 12 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày
mở lại phiên tòa (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên tòa chậm nhất là 01
tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 477 BLTTDS. Hết thời hạn 3
tháng, kể từ ngày chuyển văn bản của Tòa án cho cơ quan có thẩm quyền ở nước
ngoài mà không nhận được văn bản trả lời thì Bộ Tư pháp phải thông báo cho Tòa
án biết để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, thủ tục gửi ủy thác tư pháp và đợi
kết quả ủy thác còn nhiều khó khăn nên khi giải quyết các vụ án ly hôn có yếu tố
nước ngoài thường Tòa án không thể chủ động, đảm bảo thời hạn giải quyết theo
quy định vì cần phải chờ kết quả từ thủ tục ủy thác tư pháp (tống đạt văn bản tố
tụng và thu thập chứng cứ), nhiều trường hợp do địa chỉ của người chồng cung cấp
không đúng, không đầy đủ nên thủ tục ủy thác và nhận kết quả trả lời hoặc thủ tục
niêm yết thường kéo dài rất mất thời gian, phải gửi đi gửi lại nhiều lần nhưng
vẫn không có kết quả, mặc dù Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao rất quan tâm đến công
tác ủy thác tư pháp nhưng cũng không tránh khỏi việc chậm trễ khi chờ đợi kết
quả ủy thác từ các nước, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn
biến phức tạp thì công tác này lại càng khó khăn hơn. Do đó, có những vụ án ly
hôn kéo dài đến 02 năm và thường xử vắng mặt người nước ngoài do không nhận được
kết quả ủy thác tư pháp để thu thập tài liệu, chứng cứ, lời khai, ý kiến của họ…
để làm căn cứ xét xử. Đồng thời, theo yêu cầu của nguyên đơn Tòa án thực hiện đăng
thông tin giải quyết vụ, việc trên Cổng thông tin điện tử của Cơ quan đại diện nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài nhưng vẫn không có kết quả. Thời
gian giải quyết kéo dài như vậy đã làm ảnh hưởng phần nào tới quyền lợi của người
phụ nữ, mặt khác, khi kiểm sát thủ tục tống đạt ủy thác tư pháp, về phía Viện
Kiểm sát cũng khó có thể tổng hợp vi phạm trên để kiến nghị Tòa án.
Qua đó, cho thấy các cuộc
hôn nhân có yếu tố nước ngoài thường diễn ra nhanh chóng, các cô gái Việt Nam
trẻ tuổi hạnh phúc chỉ vài tháng ngắn ngủi rồi ly hôn nhưng kéo theo hậu quả vô
cùng đáng tiếc, có trường hợp phải làm người mẹ đơn thân, cũng có trường hợp do
không chịu nổi áp lực của hậu quả để lại dẫn đến trầm cảm,... Vì vậy, để hạn chế
các trường hợp “kết hôn sớm và ly hôn vội”,
địa phương cần quan tâm, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức pháp luật cho
người dân về “kết hôn và ly hôn với người nước ngoài”, nhất là đối với phụ nữ
trong độ tuổi từ đủ 18 đến 20 để họ có tâm lý và kiến thức nền tảng, hạn chế
rơi vào trường hợp kết hôn do mai mối được vài tháng thì ly hôn. Khi đăng ký kết
hôn, cơ quan làm thủ tục đăng ký kết hôn cần yêu cầu người nước ngoài cung cấp
giấy tờ nhân thân rõ ràng, đầy đủ để ghi rõ nơi cư trú (hoặc có thể ghi bổ sung
thêm địa chỉ của người thân của người nước ngoài muốn đăng ký kết hôn) để làm
căn cứ cho Tòa án thực hiện xác minh, tống đạt ủy thác tư pháp khi giải quyết vụ
án.
Qua công sát kiểm sát
nhận thấy thủ tục giải quyết các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài còn nhiều vướng
mắc, nhất là trong công tác ủy thác tư pháp, do vậy các Cơ quan Trung ương cần có
những văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn để áp dụng giải quyết loại án này
trong tình hình mới, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ Việt Nam./.
Thu Giang
Phòng 9