Ngày 26/4/2022, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao tổ chức Hội thảo khoa học về “Viện Kiểm sát nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” theo hình thức trực tuyến.
Dự Hội thảo, tại điểm cầu VKSND tối cao có ông Lê Minh Trí, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao; các Phó Viện trưởng VKSND tối cao; Vụ trưởng Vụ 14 và Chánh Văn phòng VKSND tối cao; các nhà khoa học đến dự và phát biểu tham luận có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Minh Tuấn, Viện trưởng Viện xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ. Phạm Văn Tỉnh, Nguyên Giảng viên cao cấp Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ. Nguyễn Quốc Sửu, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; Giáo sư, TSKH. Đào Trí Úc, Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành Luật học, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Quốc gia Hà Nội; tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng, Quốc hội; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Nhã, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Tại điểm cầu VKSND tỉnh: có ông Nguyễn Ngọc Phúc, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh; ông Lê Văn Dương, Nguyễn Hữu Tường và Huỳnh Đông Bắc, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh; cùng Trưởng phòng và tương đương các đơn vị thuộc VKSND tỉnh; Viện trưởng VKSND cấp huyện. Đại diện các ban, ngành cấp tỉnh, có ông Diệp Văn Thế, Phó Giám đốc Công an tỉnh; ông Lê Lâm Sơn, Phó Chánh án Tòa án tỉnh; bà Trương Thị Thanh Thoảng, Trưởng phòng công tác Nội chính, Ban Nội chính Tỉnh ủy đến dự.
Các đại biểu dự Hội thảo khoa học tại điểm cầu VKSND tỉnh Kiên Giang
Tại Hội nghị các đại biểu được quán triệt và triển khai một số nội dung tham luận cụ thể gồm: Về quan điểm của V.I.Lênin về VKSND trong Bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa; Sự ra đời của VKSND nhìn dưới góc độ triết học và quan điểm, giải pháp tiếp tục hoàn thiện, đổi mới VKSND trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Định vị VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Vai trò của VKSND trong kiểm soát quyền lực nhà nước, kiểm soát quyền lực tư pháp- Thực trạng và yêu cầu, giải pháp tăng cường; Những vấn đề đặt ra đối với tổ chức, hoạt động của VKSND đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền đến năm 2030; Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKSND; Chức năng thực hành quyền công tố của VKSND trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hội thảo khoa học đã nhận được sự quan tâm, cộng tác, phối hợp, giúp đỡ của các các nhà nghiên cứu khoa học có uy tín, cán bộ hoạt động thực tiễn giàu kinh nghiệm trong và ngoài ngành Kiểm sát nhân dân; các bài tham luận khoa học có chất lượng, tâm huyết và trách nhiệm, đề cập toàn diện các vấn đề lý luận và thực tiễn về phát huy vai trò chủ động tham gia của VKSND trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”./.
Thiềm Giang Văn - Phạm Châm