Cách đây 93 năm, ngày 28/7/1929, tổ chức Công đoàn Việt Nam ra
đời. Đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với quá trình đấu tranh, phát triển
của phong trào công nhân Việt Nam; là hạt nhân vận động, tập hợp giai cấp công
nhân đi dưới ngọn cờ cách mạng vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong 93 năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng
vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp; trong công
cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Sự ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam
gắn liền với sự hình thành, phát triển của giai cấp công nhân và hoạt động của
lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Người đặt nền móng về chính trị, tư tưởng và tổ chức
cho sự ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Các tổ chức Công hội sơ khai ra
đời; đặc biệt là tổ chức Công hội Đỏ do người công nhân ưu tú Tôn Đức Thắng
sáng lập đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết của phong trào đấu tranh của giai cấp
công nhân Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ 20. Bằng con đường “Vô sản hoá”, nhiều cán bộ do Nguyễn Ái
Quốc đào tạo đã vào làm việc trong các nhà máy, thâm nhập các khu lao động, các
xóm thợ để tuyên truyền vận động công nhân. Nhờ vậy, từ 1926 - 1929 đã xây dựng
được nhiều cơ sở Công hội trong các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, xưởng thợ, bến
cảng ở các trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng trên khắp cả nước. Cuối năm
1928, đầu năm 1929, nhiều tổ chức Công hội Đỏ được thành lập ở các xí nghiệp và
phát triển, dần dần được thống nhất thành Tổng Công hội Đỏ cấp tỉnh, thành phố
(Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hòn Gai).
Yêu cầu khách quan của cách mạng đòi hỏi phải có đội tiên phong
chính trị là chính đảng của giai cấp công nhân ra đời để lãnh đạo phong trào
đấu tranh của công nhân, đồng thời lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân
tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Năm 1929, ba tổ chức Đảng cộng sản Việt
Nam ra đời (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, được thành lập ngày
03/02/1930), bước đầu đáp ứng yêu cầu của phong trào yêu nước và phong trào
công nhân. Nhờ đó, tổ chức Công hội càng phát triển nhanh chóng, nhất là ở các
tỉnh miền Bắc.
Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác vận động công nhân và
tăng cường sức mạnh cho tổ chức Công hội, ngày 28/7/1929, theo quyết định của Đông
Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Hội nghị đại biểu Công
hội Đỏ Bắc kỳ lần thứ nhất, họp tại số nhà 15 Hàng Nón, Hà Nội. Hội nghị đã bầu
Ban Chấp hành lâm thời gồm 6 ủy viên, do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách.
Hội nghị đã thông qua Chương trình, Điều lệ, phương hướng hoạt động và quyết
định xuất bản Báo Lao động và Tạp chí Công hội Đỏ (Sau này, Đại hội V Công đoàn
Việt Nam (tháng 11/1983) đã quyết định lấy ngày 28/7/1929 là ngày kỷ niệm thành lập
Công đoàn Việt Nam). Tiếp sau sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ, các
Tổng Công hội Đỏ ở miền Trung, miền Nam được thành lập. Từ năm 1930, Tổng Công
hội Đỏ đã hoạt động khắp cả nước. Công hội Đỏ ra đời có ý nghĩa hết sức to lớn
đối với phong trào công nhân Việt Nam. Đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu bức thiết
về mô hình tổ chức của phong trào công nhân Việt Nam và đánh dấu sự hòa nhập
của phong trào công nhân nước ta với phong trào cộng sản công nhân quốc tế. Sự
ra đời của Công đoàn cách mạnh Việt Nam có ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự lớn mạnh
của phong trào công nhân và sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam.
Nhân ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, mỗi chúng ta có dịp ôn lại
truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn Việt Nam. Từ
truyền thống đó nhắc nhở mỗi người tự vươn lên phát huy vai trò làm chủ, ý chí
tự lực, tự cường, hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác, góp phần thực
hiện thắng lợi xây dựng và trưởng thành, phát huy truyền thống đoàn viên tiếp
tục đoàn kết, thống nhất ý chí, năng động sáng tạo, phấn đấu thực hiện thắng
lợi nhiệm vụ được giao. Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã không ngừng trưởng
thành, lớn mạnh; tập hợp đông đảo công nhân, viên chức, lao động dưới ngọn cờ
cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo để có những đóng góp to lớn trong
thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược;
tổ chức và vận động công nhân, viên chức, lao động hưởng ứng thực hiện các
phong trào thi đua yêu nước, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và phát
triển đất nước.
Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và
lãnh đạo, đặc biệt là trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và
hội nhập quốc tế hiện nay; các công đoàn viên tiếp tục phát huy vai trò của
mình qua các phong trào thi đua yêu nước, phong trào lao động giỏi, lao
động sáng tạo, tiên phong trong các ngành nghề, trực tiếp tạo ra nhiều sản phẩm
đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội. Tổ chức Công đoàn đã và
đang không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; nhằm góp phần thực
hiện tốt các chức năng của tổ chức đáp ứng sự phát triển không ngừng của phong
trào công nhân, viên chức, lao động. Qua đó, góp phần phát huy hiệu quả các
hoạt động sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh. Người lao động được bảo vệ về
các quyền lợi và được hưởng những chế độ lợi ích thiết thực cho người lao
động. Đồng thời tạo động lực cho sự phát triển bền vững và xây dựng đội ngũ
lao động vững mạnh, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, uy tín, hình ảnh đẹp
của người lao động Việt Nam. Chính vì vậy qua từng thời kỳ, vai trò của
Công đoàn Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng. Ngày nay, khi đất nước đang
bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vai trò của Công đoàn
Việt Nam được thể hiện rõ nét hơn qua các lĩnh vực như chính trị, kinh tế,
văn hóa- tư tưởng và xã hội./.
Sưu tầm, tổng hợp: Văn Khánh
Phòng 2 VKSND tỉnh