Ngày
28/3/2022, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị trực
tuyến giải đáp một số vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự,
dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính và công tác hòa giải, đối thoại tại
Tòa án. Các ý kiến thảo luận, trao đổi tại Hội nghị đã nêu ra một số vướng mắc
trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự như:
1. Bị cáo thực
hiện nhiều hành vi phạm tội, Viện Kiểm sát đã truy tố
các hành vi phạm tội này nhưng chỉ truy tố về 01 tội danh. Khi xét xử, Tòa án xét xử các hành vi đã bị truy
tố nhưng với 02 tội danh khác nhau thì có vi phạm quy định về giới
hạn của việc xét xử hay không?
2. Bị cáo là đồng
phạm trong một vụ án. Trong giai đoạn xét xử, bị cáo chết. Bị cáo có tài sản
riêng để bồi thường thiệt hại. Tòa án có đưa những người thừa kế tài sản
của bị cáo đã chết vào tham gia tố tụng để giải quyết phần trách nhiệm dân
sự không? Nếu có thì xác định tư cách tham gia tố tụng của những người này như
thế nào? Khi tuyên án về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của bị cáo theo hướng
buộc những người thừa kế của bị cáo phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ
bồi thường thiệt hại do bị cáo để lại trong phạm vi di sản hay chỉ cần tuyên
buộc các đồng phạm còn lại có trách nhiệm liên đới bồi thường và tách yêu
cầu hoàn trả của các đồng phạm (đã thực hiện nghĩa vụ liên đới thay
cho bị cáo đã chết) đối với những người thừa kế tài sản của bị cáo để giải
quyết thành vụ án dân sự khác?
3. Trong cùng một vụ
án hình sự có nhiều bị can, mỗi bị can bị truy tố theo các khoản
khác nhau của cùng một điều luật hoặc bị truy tố theo các tội danh
khác nhau. Vậy thời hạn tạm giam các bị can, bị cáo để chuẩn bị xét xử được
tính theo thời hạn tạm giam của bị can, bị cáo có thời hạn tạm giam dài nhất
hay tính theo thời hạn tạm giam của từng loại tội phạm tương ứng với từng bị
can, bị cáo?
4. Hội đồng xét xử
phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi hơn về phần án phí, áp
dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự không đúng. Căn cứ vào quy
định nào của pháp luật để Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa các nội dung
này?
5. Khi Tòa án yêu cầu
trích xuất bị can, bị cáo đang chấp hành hình phạt tù trong vụ án khác để phục
vụ yêu cầu xét xử ngoài văn bản yêu cầu trích xuất, Tòa án có cần phải bổ sung
Quyết định tạm giam đối với phạm nhân là bị can, bị cáo trong thời gian trích
xuất không?
6. Trong vụ án hình
sự, bị cáo thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều
12 của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng
án phí và lệ phí Tòa án thì có được miễn án phí hình sự không?
7. Trong vụ án hình
sự, tại phiên tòa lần đầu, bị hại có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, người
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại có đơn đề
nghị vắng mặt và đề nghị hoãn phiên tòa. Trường hợp này, Tòa án
hoãn phiên tòa hay tiếp tục xét xử vụ án?
Trên cơ sở các vướng mắc
được nêu ra tại Hội nghị. Ngày 27/12/2022, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành văn
bản số: 206/TANDTC-PC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc
trong công tác xét xử như sau:
1. Trường hợp bị cáo
thực hiện nhiều hành vi phạm tội, Viện Kiểm sát đã truy tố các hành vi phạm tội
này về 01 tội danh thì căn cứ quy định tại điểm b khoản 1
Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự, Tòa án trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để
điều tra bổ sung. Nếu Viện Kiểm sát vẫn giữ quyết định truy tố thì Tòa án tiến
hành xét xử vụ án. Khi xét xử, Tòa án căn cứ khoản 1 Điều
298 Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ xét xử hành vi theo tội danh
mà Viện Kiểm sát truy tố.
2. Trường hợp có thể
giải quyết trong cùng một vụ án thì khi giải quyết phần trách nhiệm
dân sự bồi thường thiệt hại, Tòa án đưa người thừa kế tài sản của bị
cáo tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên
quan. Khi thực hiện nghĩa vụ bồi thường, căn cứ Điều 615
Bộ luật Dân sự, người thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản
trong phạm vi di sản do người chết để lại. Trường hợp, không thể giải
quyết trong cùng vụ án hình sự thì Tòa án buộc các đồng phạm còn
lại có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại. Căn cứ quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự, Tòa án tách vụ án dân sự
(giải quyết nghĩa vụ bồi thường giữa các bị cáo khác và người thừa kế của bị
cáo) theo thủ tục tố tụng dân sự.
3. Vấn đề này, trước
đây đã được hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày
05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi
hành một số quy định trong phần thứ ba “xét xử sơ thẩm” Bộ luật Tố tụng
hình sự năm 2003. Qua rà soát thấy rằng, nội dung hướng dẫn tại Nghị quyết này
vẫn phù hợp với quy định Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Do đó, trường hợp
trong vụ án có nhiều bị can bị truy tố về nhiều tội phạm khác nhau (tội phạm ít
nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc
biệt nghiêm trọng) thì thời hạn tạm giam đối với từng bị can không được
quá thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tội phạm nặng nhất mà
bị can đó bị truy tố.
4. Mặc dù khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định
Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm về án phí, áp dụng
tình tiết tăng nặng không đúng. Việc sửa 02 nội dung này nếu có lợi cho bị cáo
thì Hội đồng xét xử có thể vận dụng quy định tại Điều
345 Bộ luật Tố tụng hình sự về phạm vi xét xử phúc thẩm để sửa
02 nội dung này của bản án sơ thẩm. Tuy nhiên tại phần quyết định của bản án
cần căn cứ cả Điều 345 và Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự.
5. Trường hợp này, đã
được hướng dẫn tại mục 3 phần II Công văn số 89/TANDTC-PC
ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp
trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử: “Đối với bị can, bị cáo đang
thi hành án hình phạt tù ở một vụ án trước thì không ra quyết định tạm
giam mà chỉ ra quyết định trích xuất để phục vụ công tác xét xử vụ
án”. Vì không có căn cứ tạm giam theo quy định tại Điều
119 của Bộ luật Tố tụng hình sự”. Mặt khác, Điều
9 của Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày
17/6/2020 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát
nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trích xuất phạm nhân, học sinh
đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng để phục
vụ điều tra, truy tố, xét xử đã quy định chế độ giam giữ đối với trường
hợp này, khi được trích xuất theo Lệnh/Quyết định trích xuất mà không phải
Quyết định tạm giam.
6. Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc Chương quy định chung, do đó khi bị cáo
thuộc một trong các trường hợp này thì cũng được miễn án phí hình sự.
7. Đối với trường hợp vắng
mặt bị hại thì Tòa án căn cứ khoản 1 Điều 292 Bộ luật Tố
tụng hình sự xem xét hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Bộ luật
Tố tụng hình sự không quy định việc vắng mặt của người bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp của bị hại thì Tòa án xem xét hoãn phiên tòa. Do đó,
trường hợp này, Tòa án vẫn mở phiên tòa theo quy định. Tuy nhiên, nếu việc
vắng mặt người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại mà ảnh
hưởng đến việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử có thể căn
cứ vào Điều 305 Bộ luật Tố tụng hình sự, hỏi xem có ai
yêu cầu hoãn phiên tòa hay không, nếu có yêu cầu thì Hội đồng
xét xử xem xét, quyết định.
Sĩ
Khang
Phòng 2, VKSND tỉnh Kiên Giang